Thận chịu trách nhiệm lọc máu, đào thải độc tố, chất cặn bã ra khỏi cơ thể qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tiến sĩ, bác sĩ Cao cấpMai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu – Nam học và Thận học, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, khi bị tổn thương, chức năng thận sẽ suy giảm. Điều này dẫn tới ứ trệ các chất độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tổn thương thận kéo dài nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy thận, phải điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Dưới đây là những thói quen xấu gậy hại cho sức khoẻ của thận mọi người cần lưu ý.
Những thói quen xấu gậy hại cho sức khoẻ của thận
1. Nhịn tiểu
Nhịn tiểu quá lâu khiến nước tiểu lắng đọng trong bàng quang, làm gia tăng sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn. từ đó dễ thâm nhập vào các cơ quan trong đường tiết niệu và gây bệnh. Nước tiểu giữ trong bàng quang quá lâu có thể trào ngược lên thận, gây nhiễm trùng thận.
Nhịn tiểu thường xuyên khiến cơ sàn chậu suy yếu. Lâu dần dẫn tới chứng mất kiểm soát cơ sàn chậu. Nó làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang. Gây ra tình trạng tiểu không kiểm soát. Ngoài ra, nước tiểu có chứa một số khoáng chất như canxi, axit uric, khi lắng đọng có thể tạo nên các tinh thể giống như sỏi nên việc nhịn tiểu có thể dẫn tới sỏi thận. Tình trạng này thường gặp ở những người có tiền sử mắc bệnh về thận. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhịn tiểu có thể gây vỡ bàng quang.
2. Không uống đủ nước
Uống quá nhiều hay quá ít nước đều không tốt cho thận. Theo bác sĩ Hiền, uống quá nhiều nước sẽ tạo áp lực lên thận. Có thể gây hạ natri máu, còn được gọi là nhiễm độc nước. Khi một lượng lớn nước được tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn. Thận không thể bài tiết đủ chất lỏng để lọc và đào thải nước ra ngoài đúng cách. Hạ natri máu có thể dẫn đến đau đầu, mờ mắt, co giật, sưng não, thậm chí tử vong.
Uống quá ít khiến thận không đủ nước để co bóp và đẩy natri cùng chất cặn bã, độc tố ra ngoài, làm chúng không thể phân giải và tích tụ trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận, nhiễm độc thận. Do vậy mọi người cần uống đủ lượng nước mỗi ngày.
3. Ăn nhiều muối, đường
Ăn nhiều muối gây tăng huyết áp, làm rối loạn chức năng lọc máu ở thận. Sự gia tăng áp lực của máu khi chảy qua các mạch máu trong cầu thận có thể làm hỏng các mạch nhỏ trong nephron – các đơn vị cấu trúc của thận. Theo khuyến nghị của WHO, mỗi người chỉ nên sử dụng dưới 5 g muối một ngày.
Đồ ngọt có thể dẫn đến tiểu đường, béo phì, tăng nguy cơ tổn thương thận. Do các tế bào trong cơ thể không thể sử dụng hết lượng đường (glucose) trong máu, lượng đường máu cao dẫn tới hỏng các mạch máu trong thận cũng như các cơ quan khác. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm chức năng thận.
4. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây hại cho thận do làm tăng huyết áp và nhịp tim, tạo thêm căng thẳng cho thận. Nicotin trong thuốc lá cũng làm giảm lưu lượng máu đến thận, thu hẹp và xơ vữa các mạch máu. Bên cạnh đó, nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các loại thuốc điều trị huyết áp cao. Trong khi huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thận.
Xem thêm: 5 loại thực phẩm giúp thận luôn khoẻ mạnh mà bạn nên biết
5. Uống rượu bia
Thường xuyên uống nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận phải làm việc hết công suất để lọc máu mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, gây hại thận.
6. Lười vận động
Bác sĩ Hiền cho biết, hoạt động thể chất giúp cải thiện huyết áp và đảm bảo duy trì sức khỏe thận. Ngược lại, lười vận động nguy cơ mắc bệnh thận có thể tăng 30%. Tập thể dục làm giảm huyết áp, cholesterol và trọng lượng cơ thể; xử lý chất dinh dưỡng, chất lỏng; hỗ trợ giấc ngủ và sức khỏe cơ bắp. Từ đó giảm được nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường. Nếu lười vận động, khả năng mắc các bệnh lý này cao hơn, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Đặc biệt với người ăn mặn, tập thể dục kích thích tiết nhiều mồ hôi, cũng là cách để cơ thể đào thải muối. Nếu ngại vận động, thận phải tự xử lý tất cả lượng muối đã nạp vào, gây hại thận.
7. Lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Theo bác sĩ Hiền, các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm có thể gây hại cho thận nếu dùng thường xuyên. Ngoài ra, việc sử dụng các cây cỏ không rõ nguồn gốc để ngâm rượu uống cũng là một thói quen có thể dẫn tới suy giảm chức năng thận. Vì vậy mọi người cần thận trọng khi sử dụng, nếu có nhu cầu, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
Để bảo vệ sức khỏe khỏi những tác nhân gây bệnh, trước tiên chúng ta cần tạo lập cho mình những thói quen tốt. Sau đó là cần chú trọng đến các thực phẩm lành mạnh. Trên đây là những thói quen xấu gậy hại cho sức khoẻ của thận mà chúng ta cần tránh. Hanoireview mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn!
Nguồn: VN Express
Pingback: [Hanoireview] Ăn gì để mắt luôn sáng khoẻ?